HOA HỒI – THẢO MỘC “QUÝ NGÀN VÀNG” CỦA MIỀN NÚI PHÍA BẮC NƯỚC TA
HOA HỒI
Hoa hồi thực chất là quả của cây đại hồi (tên khoa học là Illicium verum Hook), hay còn được gọi là đại hồi, hồi sao, hồi 8 cánh, mắc hồ, quả hồi, tai vị, bát giác hồi hương. Hoa hồi được thu hoạch khi cây có tuổi đời từ 5 năm trở lên, mỗi năm chỉ được 2 vụ (tháng 6 – 9, tháng 11 – 12), nên có thể được xem là loại thảo mộc “quý tựa ngàn vàng”.
Cây hoa hồi có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn ở nước ta hoa hồi mọc và được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn). Ngoài ra, cây hoa hồi cũng được tìm thấy ở một số nước như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Đông Á và Đông Nam Á khác. Theo một số khảo sát cho biết, nó cũng xuất hiện ở miền Trung nước Pháp.
1.Đặc điểm của cây hoa hồi
Cây hoa hồi có hình dáng nhỏ, thẳng, cao từ 6 – 10m. Lá mọc so le, có hình trứng thuôn hay hình mác, nhọn dần về khuôn lá, dài 8 đến 12cm, phiến lá nguyên và dày cứng nhưng giòn. Quả hồi từ 7 – 8 đài, mỗi đài dài 9 – 13cm, có hình ngôi sao.
Khi non, hoa có màu xanh lục, về già hoa sẽ khô lại và có màu nâu sẫm, lúc này người ta sẽ thu hái làm thảo dược gọi là hoa hồi. Hoa của cây hồi mọc đơn độc hay theo chùm ở nách lá, có màu hồng thẫm. Đài hoa màu trắng, màu hồng ở phía mép đài, có 5-6 cánh hoa trên mỗi hoa.
Mặc dù người ta gọi là “hoa hồi” nhưng đây thực chất là quả hồi. Do quả hồi có hình dạng bông hoa nên người dân quen gọi như vậy. Mỗi cánh của hoa hồi chứa một hạt hồi bóng nhẵn, trong đó chứa tinh dầu cùng hơn 20 hợp chất có lợi cho sức khỏe. Khi mua hoa hồi, bạn nên chọn hạt càng căng bóng càng tốt vì nó cho thấy hoa càng chứa nhiều tinh dầu.
Hoa hồi tồn tại ở các dạng: hồi nguyên, hồi vụn, bột hoa hồi. Đặc tính của hoa hồi là tính ấm, nóng, hương thơm đặc trưng cùng tính khử mùi tốt.
2. Công dụng của cây hoa hồi
- Trong nấu ăn
Hoa hồi là loại gia vị khô quan trọng dùng trong nấu ăn. Bột hoa hồi là thành phẩm từ những bông hoa hồi tán nhỏ, mịn, có màu vàng đậm và mùi thơm rất đặc trưng, khó cưỡng. Bột hoa hồi cũng thường được dùng làm gia vị hầm, nướng, kho, xào, tiềm, cà ri bởi làm dậy mùi thơm, tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Đặc biệt, sự kết hợp giữa hoa hồi và quế cũng cho ra một loại gia vị được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong ẩm thực đó chính là ngũ vị hương.
Hoa hồi được sử dụng nhiều trong các món ăn miền Bắc, đặc biệt là phở. Hoa hồi với nhiều loại gia vị khác cho ra nhiều món ngon và độc đáo, ngon nức tiếng mang đậm hương vị của miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa quế và hoa hồi cũng được sử dụng phổ biến trong nấu ăn vào mùa đông và một số nước có khí hậu lạnh như Trung Quốc, Nhật Bản,.. bởi nó có tác dụng giúp cơ thể ấm lên, đặc biệt khi bị cảm lạnh hoặc cúm.
Chúng tôi gợi ý cho bạn một số món ăn được chế biến từ hoa hồi như: phở, cà ri, giò heo sốt ớt hoa hồi, bò kho sả hoa hồi, thịt kho hoa hồi, gà ủ thảo mộc, dạ dày hầm hoa hồi, bò nướng hoa hồi, cánh gà om hạt dẻ, thịt vịt xốt cam,…
Song song việc chế biến món ăn, hoa hồi còn có thể làm trà rất thơm ngon, bổ dưỡng. Bạn chỉ cần đun sôi khoảng 250ml nước và hãm hoa hồi khô trong khoảng 10 – 15 phút. Sau đó rót ra tách và từ từ thưởng thức. Nếu bạn muốn uống ngọt có thể thêm chút mật ong tự nhiên hoặc bổ sung thêm quế, đinh hương hoặc các hương liệu khác theo ý thích. Đặc biệt vào mùa đông, bạn có thể làm trà táo thảo mộc bằng cách sử dụng hoa hồi, quế hòa và vài lát táo chua ngọt rất thanh mát và giữ ấm cơ thể.
- Trong việc chăm sóc sức khỏe
Tăng sức đề kháng, dinh dưỡng cho cơ thể
Cho thêm hoa hồi vào thức ăn cũng giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh hay thay đổi thất thường. Trong hạt hồi rất giàu chất sắt, rất cần thiết cho việc sản xuất các tế bào máu tốt trong cơ thể.
Hạt hồi cũng chứa một lượng nhỏ mangan, một khoáng chất quan trọng có tác dụng như một chất chống oxy hóa và cần thiết cho quá trình trao đổi chất và phát triển của cơ thể.
Kích thích tiêu hóa và chữa đau dạ dày
Hoa hồi được biết đến là thảo dược để sử dụng làm thuốc giảm đau dạ dày, đau bụng, co bóp ruột, kích thích tiêu hoá. Sử dụng 3g bột hoa hồi tán mịn kết hợp rượu trắng để uống chung, mỗi ngày 2 lần sau bữa ăn có công dụng chữa đau bụng rất hiệu quả.
Điều hòa khí huyết
Mỗi tối trước khi ngủ, bạn chỉ cần chuẩn bị 1 thau nước ấm pha cùng với 3 – 4 hoa hồi, cùng với một vài tép xả. Sau đó, ngâm chân vào thư giãn trong vòng 20 phút rồi dùng khăn lau khô chân và mang vớ vào. Phương pháp này sẽ giúp lưu thông khí huyết, thông kinh mạch, giúp an thần, ngủ ngon và giữ ấm cơ thể rất tốt.
Trị đau nhức, thấp khớp
Dùng 10g hoa hồi khô cho vào lọ thủy tinh và cho rượu vào ngâm trong vòng 1 tuần. Trước khi đi ngủ, hãy dùng rượu hoa hồi này xoa bóp vào chỗ bị đau. Về lâu dài, các cảm giác đau nhức sẽ từ từ biến mất dần.
Trị nấm da, vi khuẩn
Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hạt hồi và các hợp chất của nó có đặc tính kháng khuẩn mạnh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn.
Giúp các triệu chứng mãn kinh
Hạt hồi được cho là có tác dụng giống như estrogen trong cơ thể, có khả năng làm giảm các triệu chứng mãn kinh.
Trị ngộ độc thức ăn, giải độc rắn cắn
Một công dụng mà chúng ta không thể bỏ qua của hoa hồi đó chính là việc giải độc rất tốt. Hoa hồi có các thành phần hoá học tiêu độc, giảm các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Do đó, thảo dược thường được sử dụng vào các bài thuốc chữa đau bụng, nôn mửa do ngộ độc thực phẩm. Trường hợp do rắn cắn thì dùng hoa hồi có thể giải độc được bằng cách nhai lá cây hồi rồi đắp lên chỗ bị rắn cắn sẽ giải độc nhanh chóng.
Chữa bệnh đau lưng, bầm tím
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng đau lưng do chấn thương, ngồi sai tư thế làm việc, hay tai nạn dẫn đến bầm tím sử dụng hoa hồi có thể giúp giảm kịp thời. Bạn sử dụng hoa hồi khô đã được bỏ hạt rồi đem đi sao vàng. Sau đó, cho muối vào đắp lên vết thương hay có thể dùng rượu xoa bóp vào những vùng bị ảnh hưởng. Sau một thời gian ngắn triệu chứng đau lưng không còn nữa.
Công dụng của hoa hồi giúp diệt khuẩn, đuổi côn trùng
Ngoài những công dụng làm thuốc chữa bệnh thì hoa hồi còn được sử dụng làm thuốc diệt khuẩn và đuổi côn trùng. Với các dược tính làm nên mùi hương của thảo dược làm cho côn trùng rất khó chịu, xua đuổi chúng hiệu quả mà không gây tác dụng phụ.
- Trong việc làm đẹp
Giúp ngăn ngừa lão hóa, chống nếp nhăn và tàn nhang
Đối với phụ nữ, hoa hồi là một trong những dược liệu làm đẹp ưng ý nhất. Mỗi tuần 2 lần, chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu hồi vào nước nóng và xông mặt trong vòng 15 phút. Do có hàm lượng trans-anethol cao và hơn 20 hoạt chất khác nên phương pháp này giúp làm sạch lỗ chân lông, loại bỏ bụi bẩn và bả nhờn giúp chị em phụ nữ có làn da trắng hồng, mềm mịn và căng bóng hơn.
Làm tinh dầu Massage cơ thể
Ngoài ra người ta còn dùng tinh dầu hồi để massage cơ thể, giảm bớt căng cơ, đau nhức và đem lại tinh thần tràn đầy năng lượng, sảng khoái.
Lưu ý trong khâu lựa chọn hoa hồi làm tinh dầu: để có được những lọ tinh dầu hồi tốt nhất thị trường, người dân xứ Lạng lựa chọn ngay từ cánh hồi thơm do chính bàn tay họ chăm sóc. Hồi phải được hái trong khoảng thời gian vào buổi sáng, tuyệt nhất là từ 8-9h. Với quả hồi khô, thì hồi phải vàng, đẹp thiên nhiên, không trầy xước, tuyệt đối không dùng lại sản phẩm đã qua chưng cất.
Một điều cấm kĩ trong cách làm tinh dầu hoa hồi đúng chuẩn xứ Lạng nữa là không dùng hồi sấy vì khi sấy lên tinh dầu đã bị bay đi quá nhiều, lượng tinh dầu còn lại cũng có chất lượng kém. Không chỉ vậy, một điều vô cùng quan trọng trong cách làm tinh dầu hồi, đó là phải làm 100% từ quả hồi. Khá nhiều nơi, người dân sử dụng cả rễ và lá. Mặc dù hai phần này có tinh dầu nhưng khá ít và chất lượng kém hơn hẳn.
3. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng hoa hồi
Mặc dù có nhiều tác dụng cho sức khỏe nhưng sử dụng hoa hồi cũng cần phải lưu ý một vài điều như:
– Không tùy ý sử dụng hoa quá nhiều vì thành phần cis-athenol có thể thể gây ngộ động cho người dùng.
– Khi dùng tinh dầu hoa hồi cho da cần phải thử trước để tránh dị ứng với thành phần, đặc biệt là nếu bạn bị dị ứng với thực vật trong cùng họ với cây hồi – chẳng hạn như cây thì là, cần tây, rau mùi tây hoặc thì là.
Ngoài ra, do có các đặc tính giống với estrogen, hạt hồi có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các tình trạng nhạy cảm với hormone, như bệnh ung thư vú hoặc bệnh lạc nội mạc tử cung.
Trả lời